Tiểu sử Vũ Đình Long

Vũ Đình Long quê tại thôn Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ), nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông sinh năm 1896, trong một gia đình có truyền thống hiếu học, đồng thời cũng rất mê ca kịch dân tộc[1]. Lớn lên, ông đi học làm thuốc, ngành bào chế, nhưng sau đó lại chuyển sang dạy học ở thị xã Hà Đông, rồi chuyển về Hà Nội[2].

Năm 1925, khi 29 tuổi, Vũ Đình Long mở hiệu sách Tân Dân tại nhà số 93 phố Hàng Bông, Hà Nội, trong khi vẫn làm việc tại ở Sở Học chánh Đông Pháp. Ban đầu, Tân Dân chỉ là một hiệu sách nhỏ với số vốn 800 đồng, nhưng về sau công việc kinh doanh phát đạt, ông tiếp tục mở thêm nhà in, nhà xuất bản. Trong mười năm, số vốn của Tân Dân đã lên tới 1 triệu 200 nghìn đồng[3]. Từ việc in sách giáo khoa, truyện kiếm hiệp..., ông lai tập hợp thêm nhiều nhà văn, nhà báo, đặt hàng, cấp vốn cho họ để ra báo, tiểu thuyết. Cũng từ đấy, nhóm Tân Dân xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu đọc tiểu thuyết của tầng lớp trí thức và thị dân đang phát triển nhanh[1]. Vũ Đình Long chủ trương ra mắt các tờ báo, thu hút nhiều bạn đọc như Tiểu thuyết thứ bảy (1934 - 1942), Phổ thông bán nguyệt san (1936 - 1941), Ích hữu (1937 - 1938), Tao Đàn (1937 - 1938), Tuổi trẻ, Truyền bá (1941 - 1943); đồng thời lập các tủ sách "Tủ sách Tao Đàn", "Những tác phẩm hay", "Quốc văn dẫn giải". Số đông các nhà văn Việt Nam những năm 1930-1945 đều có quan hệ với Tân Dân, xuất bản tác phẩm của mình trên các tờ báo của Tân Dân[1].

Sau Cách mạng tháng Tám, Vũ Đình Long gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc[2]. Những năm chiến tranh Đông Dương, ông sống ở nội thành Hà Nội, dù gia đình ông vẫn là nơi đi về tin cậy của các nhà văn đi theo kháng chiến[1]. Sau khi hòa bình lập lại, ông ở lại miền Bắc, trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957), được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa I[4].

Vũ Đình Long mất vào ngày 14 tháng 8 năm 1960 tại Hà Nội, khi 63 tuổi. Con trai ông là họa sĩ Vũ Dân Tân (en), hiện nay đang là chủ một phòng tranh tại phố Hàng Bông.